LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Đăng lúc: 00:00:00 24/11/2017 (GMT+7)

Ngày 20/11, từ lâu đã được xem là ngày lễ "tôn sư trọng đạo" để tôn vinh các nhà giáo, người đã đứng trên bục giảng hằng ngày truyền đạt những tri thức qúy báu và cách sống trở thành người có ích cho xã hội cho những thế hệ học trò. Đây cũng là dịp để thế hệ học sinh tỏ lòng biết ơn, tri ân của mình tới những "người đưa đò thầm lặng" trên bến sông cuộc đời.

 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 VÀ PHONG TRÀO THI ĐUA DẠY TỐT HỌC TỐT CỦA 3 NHÀ TRƯỜNG

 

Ngày 20/11, từ lâu đã được xem là ngày lễ "tôn sư trọng đạo" để tôn vinh các nhà giáo, người đã đứng trên bục giảng hằng ngày truyền đạt những tri thức qúy báu và cách sống trở thành người có ích cho xã hội cho những thế hệ học trò. Đây cũng là dịp để thế hệ học sinh tỏ lòng biết ơn, tri ân của mình tới những "người đưa đò thầm lặng" trên bến sông cuộc đời.

IMG20151020143804.jpg

kỳhghfg         
Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới:

Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục, viết tắt là FISE.

Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương.

Nội dung chủ yếu của Bản Hiến chương các nhà giáo là: Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đấu tranh thủ tiêu các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh.

Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.

 

Vì sao ngày 20/11 trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam?

Trong ngày 20/11/1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo.

Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã…

Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN.

Hàng nghìn lá thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam, thông qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đã nói lên lòng sôi sục căm thù Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài nước ta, ủng hộ phong trào đấu tranh của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam; đòi thực hiện một nền giáo dục dân tộc, đòi tăng ngân sách cho giáo dục để mở trường lớp, bảo đảm việc học tập cho học sinh; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà…

Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Hàng năm vào kỷ niệm ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của giáo viên kháng chiến nói chung.

Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.

Với truyền thống trọng thầy, hiếu học của dân tộc và dưới sự lãnh đạo của Đảng, GD-ĐT nước ta đã từng bước được khẳng định, phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, phát triển đất nước.

Những thành tựu mà ngành GD -ĐT đạt được chính là nhờ lớp lớp thầy giáo, cô giáo của bao thế hệ đã tận tình, tâm huyết với nghề, tạo nên những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam để chúng ta học tập và phát huy:

          - Nhà giáo Việt Nam luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân.

 - Những nhà giáo chân chính VN giàu lòng nhân ái, vị tha, tận tuỵ với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của đất nước.

- Những nhà giáo chân chính VN bao giờ cũng là người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, luôn có cuộc sống giản dị, trong sáng, mẫu mực.

- Những nhà giáo chân chính VN luôn cần cù, sáng tạo trong lao động dạy học.

 Lịch sử nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận lớp lớp nhà giáo ngày đêm tận tuỵ với nghề, lao động sáng tạo, quên mình và nhiều thầy giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng xa. Họ là những anh hùng vô danh.

Xuất phát từ truyền thống đó, ngày 20/11 hàng năm là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “tháng tháng, năm năm vẫn không ngừng chèo lái con thuyền”.

Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: "Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa".

Đối với ngành giáo dục của địa phương. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của huyện và thị trấn Bút Sơn, đội ngũ giáo viên và học sinh 3 nhà trường đã không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên đạt nhiều thành tích xuất sắc, chất lượng giáo dục được nâng lên một cách toàn diện. 3 nhà trường luôn nằm trong tốp dẫn đầu của huyện và tỉnh.

          Trường THCS Nhữ Bá Sỹ là một trong những trường dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng dạy và học. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện luôn xếp thứ Nhất, thi học sinh giỏi cấp Tỉnh xếp từ thứ 1 đến thứ 3. Học sinh đỗ vào THPT đạt từ 95% trở lên. Nhà trường được CT UBND huyện tặng giấy khen về đạt thành tích xuất sắc, được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen; Được Thủ tướng chính phủ tặng Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu toàn ngành. Năm 2016 – 2017 được Hội đồng thi đua các cấp đề nghị tặng Huân chương lao động hạng Nhất. 

          Trường Tiểu học Lê Tất Đắc cũng là trường được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu về chất lượng giáo dục bậc Tiểu học của huyện và tốp đầu của Tỉnh. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh nhà trường luôn đạt thành tích cao và nằm trong tốp dẫn đầu. 3 năm  học liên tiếp từ năm 2014 – 2017 trường đều có học sinh đạt giải Quốc gia. Học sinh được công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%, 100% giáo viên đạt GV giỏi từ cấp huyện trở lên. Năm 1998 trường là đơn vị đầu tiên toàn quốc đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 năm 2012. Nhà trường được CT UBND huyện tặng giấy khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

          Trường Mầm non thị trấn Bút Sơn với đội ngũ cán giáo viên 100% đều có trình độ chuẩn và 50% trên chuẩn. Đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường đều có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề mến trẻ. Hàng năm nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn chú trọng đến công tác tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác giáo dục trẻ đảm bảo, 100% trẻ đến trường được tổ chức bán trú, đảm bảo tuyệt đối về tính mạng, an toàn về sức khỏe và sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Về chất lượng giáo dục tỷ lệ chuyên cần của trẻ hàng năm đạt 98%. Kết quả hội thi “Bé khỏe mầm non” năm học 2016 – 2017 nhà trường đạt giải Nhì toàn huyện. Với sự nỗ lực cố gắng của cả đội ngũ cán bộ giáo viên, sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương về cơ sở vật chất, đến nay trường đã đủ điều kiện được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.

          Như vậy, với những nỗ lực và thành tích đạt được như trên là do sự đoàn kết thống nhất và tinh thần trách nhiệm cao trong nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ giáo viên 3 nhà trường, sự quan tâm tạo điều kiện của UBND huyện, phòng ngành chuyên môn, và cấp ủy chính quyền thị trấn.

          Cuối cùng, xin kinh chúc quý vị đại biểu khách quý lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc các thầy cô giáo luôn là người chèo lái con thuyền tri thức đưa các thế hệ học sinh bước vào chân trời mới gặt hái thật nhiểu thành công.

          Xin chân thành cảm ơn!

 

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc