Là vùng đất trung tâm của huyện, đầu mối giao thương kinh tế và cũng là vùng đất kết tinh các giá trị văn hóa và giao thoa văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của cả vùng nên văn hóa Bút Sơn đã tạo nên được sự phong phú, đa dạng, toàn diện. Biểu hieenjrox rệt và sinh động là thiết chế văn hóa khá đầy đủ các loại hình và sự phong phú về nội dung, đẹp về hình thức, thu hút sự quan tâm xây dựng và đóng góp của nhân dân.
*Các đình, chùa miếu mạo: Bút Sơn xưa là vùng đất có đày đủ vẻ đẹp tiêu biểu của vùng quê Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình, mái chùa cổ kính. Bút Sơn có mật độ đình, chùa, đền miếu khá dày. Từ các làng xã dọc tuyến đường chính trong các gò đống thường có các chùa nhỏ rãi rác ấn náu mình trong các khu vườn cây xanh um tùm từ thôn Thọ Vực (xã Hoằng Đức ngày nay), ba thôn đều có thờ chung một nghè Bút Thờ Đại kiến quốc gia nam hải Tứ vị thánh linh tối linh với sắc phong Thượng đẳng tối linh thần.
Ngoài ra các thôn còn có đình chùa của thôn mình: Thọ Văn có đình Thọ Văn, chùa Liên Hoa, chùa Ngạnh và văn chỉ thờ Khổng Tử. Thọ Lộc có chùa Lợ, chùa Kim, có phủ thờ quan Thái Bảo Cao Tư - người có công lớn trong việc dẹp giặc Chiêm thành, được nhà vua phong chức Thái Bảo phó tướng quận công, khi ông chết được phong Thượng đẳng tối linh thần. Với người dân Bút Sơn xưa ông là người được vua ban nhiều bổng lộc và ruộng đất. Đất của ông kéo dài từ Nội Tý đến thôn Bái Ninh, vì vậy vùng này có câu Thượng tự Nội Tý hạ trí Bái Ninh
Chùa Lợ chỉ có các bát hương, ngoài cổng có con hổ, hiện nay đất chùa ngày trước là trường THCS Thị trấn Bút Sơn. Chùa Kim có một tượng lớn nhất, đó là tượng phật Di Đà, đất nền chùa hiện nay đã xây dựng trường tiểu học Lê Tất Đắc và trường Mầm Non của thị trấn.
Cồn Nghĩa Dũng (Công ty nhiếp ảnh- nay thộc khu dân cư Phúc Sơn), trước có một ngôi mộ thật to, có một miếu nhỏ, các cụ nói Cồn mộ đó là của nghĩa quân Văn thân Hoằng Hóa và nghĩa quân ở Ba Đình bị Pháp bắt, chúng tập trung tại cồn làm biến thế điện hiện nay, bọn chúng chặt đầu, đưa xác về đấy chôn, dân lập miếu thờ, Mồ Cọi ở trước cổng UBND Huyện hiện nay.
Bút Sơn có hai nghĩa địa lớn lâu đời: Cồn Vực, cơ quan Ngân hàng cũ chạy dài đến dọc Kiển, nay đã thành tiểu khu Tân Sơn. Cồn Mã Lầm tại dọc chùa sau này làm cửa hàng lương thực của Nhà nước nay là khu dân cư Phúc Sơn.
Các công trình khác thời Pháp thuộc: 1945 về trước của Phủ đường Hoằng Hóa nơi bộ máy cai trị ở và làm việc: Gồm nhà lớn của Tri Phủ và Thông Phán làm việc nhà của Lính Bảo An (lính khố xanh), nhà tu và nhà ở của lính lệ, nhà thờ tổ của Phủ đường, nhà ăn ở của gia đình Tri Phủ.
* Các trò chơi, trò diễn dân gian, hội làng: Tết Nguyên Đán là tết lớn quan trọng nhất trong năm, có năm thời tiết mưa thuận gió hòa, ấp áp, cấy cầy gieo trồng xong. Tết được tổ chức rất long tọng nhộn nhịp. Từ sau ngày 23 tháng chạp âm lịch, tổ chức đưa ông Táo lên trời, mọi nhà, đường ngõ làng xóm được sửa sang sạch đẹp phong quang. Ngày 26 tháng chạp, phiên chợ tết Bút Sơn cuối cùng của năm cũ, hàng hóa phong phú, gạo trắng, thịt cá, rau quả, bánh trái, mứt kẹo, chè lam bánh khô, khăn áo bán cho người già trẻ em nhiều điều, lụa, vãi đủ các loại kẻ bán người mua của cả vùng đông như trẩy hội.
Tục trồng cây rêu, quét vôi mới lại nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên để đón tết xuân rất được coi trọng. Các Nghè, Đình, Chùa được treo cờ kết hoa hương nến trang nghiêm, nhất là đêm 30 nơi tĩnh lặng của vùng thôn dã phút giao thừa, từng hồi trống chiêng vang lên uy nghi từ các Nghè đình chùa, gọi là Lễ động thổ một năm mới bắt đầu. Ngày tết các họ tộc có lệ đơm cỗ tết ở nhà gia trưởng để cúng tổ tiên và cũng là dịp cả nhà dù trai hay gái đã đi lấy chồng, con cháu đề huề, lại sum họp vui vầy chúc tụng ông bà, cha mẹ. Các xóm, các thôn tổ chức các trò chơi vui trai gái đánh đu, cờ tướng như Thọ Sơn nổi tiếng với các tay chơi cờ hay, Thọ Văn, Thọ Lộc có chọi gà, tết Nguyên Đán kép dài 5-7 ngày.
Thuở xưa, từ 12 đến ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, sau tết các lễ hội được tổ chức rầm rộ tại các làng. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên rất trọng thể và chu đáo tế lễ thần hoàng làng. Các làng đều mở hội rước thần, các kiểu kiệu tân tán lộng đồ thờ sơn son thiết vàng rực rỡ. Các trai làng áo mũ lễ hội nai nịt chỉnh tề, kiêng rước kiệu cùng cờ quạt tân tán trống chiêng ngũ bát âm theo các đường chính từ các đình về nghè, các thôn Thọ Văn, Thọ Sơn, Hoằng Lộc cùng rước chúng về nghè Bút tế lễ, rồi từ Nghè Bút lại rước Thần về các thôn. Sau 3 ngày lễ hội, các thôn rước bát hương trở lại nghè Bút tạ lễ và kết thúc lễ hội. Trong các kỳ lễ hội này nhiều hoạt động mang tính chất văn hóa truyền thống được tổ chức như đánh vật, chơi đu, đánh cờ người, hát hội, hát chèo, đua thuyền bơi lội. Bến sông Bút từng là nơi hội tụ của các tuyến thủ bơi lội trong vùng. Hội vật hàng năm còn có thêm trai tráng của các làng lân cận như Bái Xuyên, Bái Ninh, Cát Mau.
Ngoài ra hàng năm còn tổ chức ăn tết Đoan Ngọ vào ngày 05 tháng 5 âm lịch, ngày này có tục nhuộm đỏ móng tay, móng chân, ăn các hoa quả lành, giết sâu bọ và hái một số lá cây là chè giải nhiệt. Rằm tháng 8 âm lịch hay gọi là tết Trung Thu được tổ chức múa sử tử rước đèn, tới ngày rằm các trẻ em tay cầm đèn cá, đèn xếp, đèn kéo quân trong đèn còn nến thắp sáng, rước đèn đi khắp đường làng ngõ xóm, rồi tụ họp về đình làng, hay phá cổ Trung thu.
Tháng 10 âm lịch sau khi gặt xong những thửa ruộng đầu tiên của vụ mùa, các làng thôn đều tổ chức lễ cơm mới. Cuối tháng 11 âm lịch hay đầu tháng chạp lễ hạ đền tế Thần Nông, cấy trồng xong làm lễ thượng điền. Những năm mùa hè hạn hán kéo dài dân làng làm lễ Cầu Đảo (cầu mưa) hay hoa màu bị sâu bệnh, dân làng bị ốm đau dịch bệnh làm lễ cầu an.
Ngoài lễ hội chung của làng xã, các môn sinh chữ Hán còn tổ chức một năm hai lần lễ tế Khổng Tử ở Văn Chỉ.
Các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức hàng năm nhất là vào tháng giêng âm lịch, các thôn xóm đều mời phường hát bội, hát chèo, nổi tiếng ưa thích nhất là phường bội Phú Khê. Một số điểm dân cư còn tổ chức hát ả đào, ca trù trong các gia đình như nhà ông Kế, bà Hội (Phúc Sơn ngày nay). Các đêm dịp nông nhàn các bà, các chị em tụ họp nhau cùng xa quay kéo sợi, véo von cất cao câu hát phường vải, tháng 7 tháng 8 âm lịch vào các đêm trăng sáng, thanh niên nam nữ tổ chức hát đúm, hát ghẹo. Họ tụ tập thành từng nhóm từng nhóm thôn này, thôn khác cả các xã lân cận như Phùng Dực, trong Đằng cũng kéo ra, trên con để từ Thọ Văn, Phúc Thọ, Thọ Sơn đến Tế Độ, Bái Ninh hay vào đến Gòng. Một bên trai một bên gái tự đặt lời hát đối đáp lẫn nhau, các đêm hát ghẹo này có khi kéo dài tới quá nữa đêm, chính những đêm hát ấy là tiền đề cho trai gái giao duyên, phải lòng nhau, hò hẹn, nhiều người đã tìm hiểu nhau, về sau thành vợ chồng.
Cũng như nhiều vùng cư dân khác, Bút Sơn sớm hình thành những lễ hội mang đậm sắc màu văn hóa cộng đồng và được các thế hệ duy trì cho đến những năm gần đây.
* Các phong trào học tập khoa bảng: Bút Sơn là một vùng đất hiếu học, một số ông Cử, ông Tú, thầy Đồ sớm mở các lớp Hán học tại gia và thu hút nhiều khóa sinh đến học. Hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vùng đất này có nhiều người đỗ cao: 1 phó bảng, 11 cử nhân, 23 tú tài hán học, có 1 người đã làm đến chức Thượng thư Nam Triều.
Các nho sinh vùng này sớm hình thành ý thức tôn sư trọng đạo. Nhiều thầy đồ, thầy giáo được học trò sống tết chết giỗ. Nhiều hội đồng môn được thành lập vừa động viên giúp nhau học tập và trưởng thành, tổ chức tự nguyên chăm lo đến đời sống của thầy trò.
- KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC TUẦN 1 THÁNG 10 NĂM 2024 (Từ ngày 30-09-2024 đến ngày 04-10-2024 )
- KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC TUẦN 4 THÁNG 9 NĂM 2024 (Từ ngày 23/09/2024 đến ngày 27/09/2024)
- KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC TUẦN 3 THÁNG 9 NĂM 2024(Từ ngày 16-09-2024 đến ngày 20-09-2024)
- KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC TUẦN 2 THÁNG 9 NĂM 2024 (Từ ngày 09/09/2024 đến ngày 13/09/2024)
- KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC TUẦN 1 THÁNG 9 NĂM 2024 Từ ngày 02-9-2024 đến ngày 06-9-2024