Hướng dẫn cách xử trí ngộ độc thức ăn tại nhà hiệu quả

Đăng lúc: 09:36:43 23/09/2023 (GMT+7)

Tình trạng thực phẩm bẩn đáng lo ngại hiện nay khiến không ít người bị ngộ độc. Tùy mức độ nặng nhẹ mà ngộ độc thực phẩm gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh như thế nào. Khi xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn, phần lớn các trường hợp có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không tự phục hồi thì bệnh nhân cần tới cơ sở y tế để được điều trị. Bài viết sau đây hướng dẫn bạn đọc cách sơ cứu và xử trí khi bị xảy ra hiện tượng ngộ độc thức ăn.

 * Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm

          Ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn  hoặc uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc không chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc… Thông thường, ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1- 2 ngày sau khi ăn. Sau đây là một số dấu hiệu nhận biết ngộ độc để xử lý kịp thời:

          - Buồn nôn và nôn.

          - Đau bụng.

          - Tiêu chảy.

          - Phân, nước tiểu có thể có máu…

          - Có thể sốt hoặc không.

          Đa số các trường hợp ngộ độc thực phẩm có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu sau thì nên đi khám bệnh ngay:

          - Nôn ói liên tục.

          - Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.

          - Bị tiêu chảy liên tục.

          - Đau bụng dữ dội.

          - Thân nhiệt cao hơn 38,5 độ C.

          - Khát nước, khô miệng, tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt.

          - Mắt mờ, cơ yếu.

          - Phát ban toàn thân, ngứa.

          - Khó thở.

          Ngoài ra, cần lưu ý với các đối tượng như người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính… khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

          Xử trí đúng cách ngộ độc thực phẩm ngay tại nhà

          Ngay khi nhận biết các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm bạn cần sơ cứu ngay bằng các bước dưới đây:

          Gây nôn

          Người bệnh có triệu chứng nôn mửa ngay sai khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần ngay lập tức gây nôn để người bệnh nôn hết thức ăn trong bụng ra. Cách gây nôn khá đơn giản: Uống một hơi hết 1 cốc nước pha muối (0,9%) rồi dùng tay móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Nếu không kịp pha nước muối thì dùng nước lọc rồi lấy ngón tay trỏ đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn ra càng nhiều càng tốt.

          Lưu ý khi thực hiện biện pháp gây nôn với trẻ nhỏ, tránh gây xước họng của bé. Phải để bé gối đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Không để nằm ngửa và nôn có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi dễ dẫn tới tử vong.

          Sau khi gây nôn, nếu thấy người bệnh nôn được hầu hết thức ăn ra thì để người bệnh nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cần phải theo dõi sát, nếu có bất kỳ triệu chứng gì khác lạ cần đưa người bệnh tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

          Đối với những trường hợp có dấu hiệu co giật, rối loạn ý thức thì không được gây nôn, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những trường hợp này cũng như các trường hợp có dấu hiệu khác lạ hay nặng cần chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

          Bù nước và điện giải

          Nôn nhiều và tiêu chảy khiến cơ thể bị mất nước và điện giải. Cần bù nước cho người bệnh bằng cách uống dung dịch oresol (pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì). Hoặc nếu không có oresol sẵn thì có thể pha 1 thìa cà phê muối cùng 1 lít nước rồi cho người bệnh uống nhằm chống mất nước cho cơ thể.

          Đối với dung dịch oresol chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn bởi có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh. Không đun sôi dung dịch đã pha sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu. Khi có nhiều người cùng bị ngộ độc, không cho các người bệnh uống chung nước vì có thể làm tăng tình trạng bệnh của những người nhẹ.

          Thăm khám tại cơ sở y tế

          Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu như trên nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu hoặc tới ngay trung tâm y tế ngay gần nhất.

          Một số lưu ý khi sơ cứu người bệnh ngộ độc thức ăn:

          - Nếu người bệnh tự nôn làm thông thoáng đường thở cần lau sạch vùng miệng.

          - Người bệnh cần được nằm nghiêng bên trái để giảm bớt sự hấp thụ chất độc qua dạ dày.

          - Nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa bị ngưng tim ngừng thở không nên hỗ trợ hô hấp miệng nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu.

          - Tuyệt đối không cho người bệnh uống bất cứ loại thuốc nào theo lời mách bảo. Các chất độc tự nhiên có trong thực phẩm có khá nhiều loại mà đôi khi chúng ta vô tình gặp phải như nấm độc, cá độc, thức ăn ôi thiu… Do đó, cần đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế gần nhất cùng với dịch nôn haty thức ăn đang dùng để xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân gây độc.

          Điều trị ngộ độc thức ăn tại cơ sở y tế

 

Sử dụng thuốc cho các trường hợp ngộ độc thức ăn cần có sự chỉ dẫn của chuyên môn. Khi người bệnh còn tỉnh táo, ngăn chất độc vào máu bằng cách gây nôn. Sử dụng các thuốc sau để nhanh chóng đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể như than hoạt uống, thuốc nhuận tràng sorbitol uống.

Trường hợp bệnh nhân mệt do mất nước bởi nôn, đi ngoài, sốt kéo dài, đặc biệt là ngộ độc thức ăn do độc tố vi khuẩn thì nguy hiểm hơn. Bởi mất nước nhanh và nhiều, dễ dẫn tới suy dinh dưỡng do không được cung cấp đủ thức ăn bù lại cho cơ thể. Trong trường hợp này cần có biện pháp can thiệp như sau:

          1.  Điều trị mất nước:

          - Pha oresol theo hướng dẫn, không có orosol thì pha 2 thìa đường với 1 thìa cà phê muối cùng 200ml nước. Hoặc uống nước cam, nước dừa, nước suối thành 1 lít nước vì chúng có nhiều kali rất tốt cho người bệnh. Nếu vẫn nôn thì cho uống ít một.

          - Dùng thuốc chống tiêu chảy khi bệnh nhân đi ngoài nhiều lần toàn nước mà không sốt. Trường hợp nhẹ có thể dùng thuốc imodium, nếu cầm tiêu chảy rồi thì thôi.

          - Thuốc chống nôn: Khi nôn quá nhiều có thể khi bệnh nhân nôn quá nhiều có thể cho tiêm thuốc prometazin, diphenhydramin.

          - Truyền dịch ringer lactate hay bicarbonate 1,4% 200ml trước rồi truyền natriclorid 0,9%. Rửa dạ dày có kỹ thuật khi lượng chất độc nhiều. Dùng thuốc kháng độc trong trường hợp biết rõ loại chất độc đó là gì.

          - Dùng kháng sinh nếu bệnh nhân có sốt nghi do  nhiễm khuẩn (có thể chọn ciprofloxacin)…

          Mẹo chữa ngộ độc thực phẩm bằng nguyên liệu tự nhiên

          Ngộ độc thực phẩm tuy không đe dọa tính mạng, nhưng có thể trở nặng nếu điều trị không đúng cách. Dưới đây là một số bài thuốc giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh:

          Chanh: Chanh có tính axit giúp tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng. Lượng vitamin C lớn có trong chanh giúp cung cấp năng lượng, cải thiện sức đề kháng hiệu quả. Khi bị ngộ độc thức ăn, bạn nên uống 2 – 3 cốc nước chanh ấm làm dịu dạ dày.

          Húng quế: Không phải ai cũng biết húng quế chính là kẻ thù lớn nhất của các vi sinh vật gây hại. Vì vậy mà chúng được dùng để điều trị ngộ độc thực phẩm nhanh chóng. Bạn chỉ cần thêm vài thìa dầu húng quế nguyên chất vào bữa trưa hoặc thêm nắm húng quế vào sữa chua Hy Lạp để thưởng thức giúp giảm triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

          Tỏi: Nhờ khả năng kháng khuẩn, giảm viêm nhiễm cùng với tính kháng sinh tự nhiên mà tỏi giúp khắc phục các triệu chứng khi bị ngộ độc thức ăn. Người bệnh chỉ cần nhai 2 – 3 tép tỏi tươi sẽ giúp giảm đau bụng, ngăn ngừa tiêu chảy.

          Giấm táo: Tuy có mùi vị hơi khó chịu nhưng giấm táo cũng có thể giúp giảm triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Bởi trong giấm táo có tính kiềm có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh.

          Trà gừng: Từ xưa, trà gừng đã được sử dụng để điều trị ngộ độc thực phẩm. Nếu không muốn uống trà gừng, bạn có thể trộn gừng với mật ong hoặc thậm chí nhai sống lát gừng.

          Chuối: Không chỉ là loại quả được nhiều người yêu thích, chuối còn giúp làm dịu dạ dày, bổ sung kali sau khi bị tiêu chảy và nôn mửa.

          Trà bạc hà: Giúp làm dịu dạ dày và đường tiêu hóa, các vi dưỡng chất của bạc hà còn giúp bảo vệ thành dạ dày khỏi axit đồng thời loại bỏ độc tố từ thức ăn.

          Mật ong: Có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp cơ thể đào thải virus, vi khuẩn và độc tố từ thức ăn nhanh chóng. Bạn có thể uống vài thìa mật ong nhằm ngăn cảm giác buồn nôn hoặc cho thêm mật ong vào thức uống để thưởng thức.

          Các mẹo chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà có thể mang hiệu quả trong những trường hợp nhẹ. Với trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh đau bụng dữ dội hoặc tiêu chảy nghiêm trọng cần tới ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được tư vấn và xử trí phù hợp.

          Sữa chua:  Bạn hãy lựa chọn loại sữa chua có chứa men vi sinh để tái thiết lập cân bằng lợi khuẩn trong dạ dày, đồng thời tăng cường sức khỏe đường ruột. Để cải thiện ngộ độc thực phẩm, nên chọn sữa chua không đường hoặc ít đường.

          Cần xử trí đúng cách khi bị ngộ độc thực phẩm để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Hi vọng những thông tin trên đây giúp bạn đọc có kiến thức cần thiết và sơ cứu đúng cách khi bản thân hoặc người bên cạnh gặp phải tình huống này.

 

          Duyệt của Ban biên tập                                                Người viết bài

                      Trưởng ban

 

 

 

 

                                                                                    Phạm Thị Hương 
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc